Những năm gần đây Wifi Marketing đã trở nên phổ biến trong hầu hết mọi loại hình kinh doanh. Nhiều nhà cung cấp dịch vụ đã xuất hiện, bao gồm của cả những đơn vị trong nước lẫn cả nước ngoài. Tuy nhiên Wifi Marketing vẫn còn có nhiều hồ nghi về tính hiệu quả, thậm chí nhiều người đã bỏ cuộc sau khi dùng Wifi Marketing.
Tại SmartWifi, chúng tôi đã có nhiều năm cung cấp dịch vụ Wifi Marketing cho cả thị trường trong nước và quốc tế. Nâng cao tính hiệu quả của dịch vụ luôn là mục tiêu của SmartWifi, chúng tôi luôn cố gắng để Wifi Marketing trở thành một công cụ không thể thiếu trong các lĩnh vực kinh doanh.
Trong bài viết này chúng tôi sẽ chia sẻ với bạn những kinh nghiệm triển khai dịch vụ này sao cho hiệu quả nhất. Bài viết này sẽ rất dài, mong rằng bạn sẽ dành thời gian đọc để nắm hết những điều mà chúng tôi đã mất rất nhiều công sức để đúc kết.
1. Chuẩn bị đường truyền Internet tốt.
Để khách hàng kết nối Wifi một cách mượt mà, điều kiện đầu tiên đó là bạn phải có một đường truyền Internet đủ mạnh.
Nếu tất cả mọi thứ khác đều tốt (thiết bị tốt & đắt tiền, thiết kế vùng phủ sóng tốt…) nhưng đường truyền của bạn yếu thì bạn cũng chỉ có một mạng Wifi rất tệ mà thôi.
Tùy vào quy mô điểm truy cập của bạn, bạn sẽ ký kết hợp đồng với nhà mạng viễn thông, thông thường bạn nên sử dụng dịch vụ Internet cáp quang. Bạn có thể sử dụng công thức tốc độ truy cập trung bình của một người dùng để tính ra Tốc Độ đường Truyền Internet cần thiết.
Tốc độ đường truyền = Tốc độ trung bình x Số người truy cập lớn nhất
Thông thường tốc độ truy cập trung bình của một người là:Tđtb = 500kbps (kilobit trên giây)
Ví dụ: Một nhà hàng lúc đông nhất có 100 người truy cập Internet, bao gồm cả khách và nhân viên nội bộ, thì:Tốc độ đường truyền = 500kbps x 100 người = 50,000kbps = 50Mbps=> Tốc độ đường truyền tối thiểu cần có là 50Mbps (megabit trên giây)
2. Lựa chọn thiết bị Router & thiết bị Wifi phù hợp.
2.1. Router/Gateway tổng (nhiều người còn gọi là modem)
Khi kí kết hợp đồng với nhà mạng (ISP), thông thường họ sẽ tặng luôn thiết bị Modem Wifi.
Đây là thiết bị kết hợp 3 chức năng làm một, bao gồm: modem, router và Wifi.
Do là thiết bị tặng và là loại thiết bị dùng cho gia đình (SOHO) nên thường nó sẽ rất yếu, chỉ phục vụ được tối đa 10-20 người đồng thời – phù hợp môi trường gia đình. Nếu sử dụng thiết bị này cho điểm truy cập đông người thì sẽ không đạt yêu cầu, dẫn tới mạng wifi bị chậm và không ổn định.
Nhiều nơi mua thêm bộ chia (switch) và thêm vài bộ wifi đắt tiền để nối sau modem, nhưng mạng wifi vẫn chậm. Nguyên nhân không phải do mua phải wifi kém chất lượng, mà có thể do modem yếu quá nên bị nghẽn cổ chai tại đây.
Giải pháp: cần phải sử dụng thiết bị Router riêng (hay Gateway). Khi có Router riêng thì chuyển modem được tặng sang chế độ Bridge, sau đó kết nối Router vào modem.
Khi đó modem sẽ được giải phóng khỏi nhiệm vụ router và wifi, nó chỉ là modem.
Một số hãng Router mạnh thường được sử dụng:
- Draytek
- Ubiquiti EdgeRouter
- Mikrotik (Khuyên dùng, vì rẻ và có thể triển khai wifi marketing nhanh chóng)
- Peplink
Hiện nay, SmartWifi thường tư vấn cho khách hàng dùng Router của hãng Mikrotik vì thiết bị của hãng này có giá cạnh tranh nhất trên thị trường và quan trọng là chúng có thể dùng để làm wifi marketing.
Tham khảo một số thiết bị wifi marketing bán chạy của SmartWifi:
2.2 Thiết bị wifi (Access Point)
Không nên sử dụng các bộ router wifi thuộc dòng SOHO (Small Office / Home Office). Các thiết bị wifi có kèm chức năng router thường thuộc dòng SOHO (còn gọi là wireless router, ví dụ các bộ wifi phổ thông của tplink). Lý do không nên sử dụng thiết bị thuộc dòng SOHO:
- Chịu tải kém, chỉ phù hợp gia đình và văn phòng nhỏ.
- Mỗi thiết bị wireless router tạo ra một lớp mạng riêng => hai user kết nối với 2 thiết bị router wifi khác nhau sẽ không thông nhau => Thiết bị order có thể sẽ không hoạt động
Nên sử dụng các bộ wifi thuộc dòng Business Class (wifi chuyên dụng), đó là các thiết bị chỉ làm nhiệm vụ Access Point (không kiêm chức năng router):
- Khả năng chịu tải cao (50-100 người đồng thời).
- Không tạo ra lớp mạng riêng. User kết nối với các thiết bị wifi khác nhau vẫn thuộc cùng một lớp mạng và có thể làm việc trực tiếp với nhau (thông nhau).
- Hỗ trợ tính năng VLAN & Multi SSID để có thể phát ra nhiều mạng wifi khác nhau. Ví dụ vừa phát wifi marketing, vừa phát wifi nội bộ – hai mạng hoàn toàn tách biệt.
Các hãng wifi chuyên dụng thường gặp:
- Unifi
- Ruijie
- Grandstream
- Aruba/HP
- Cisco/Meraki
- Ruckus
3. Cài đặt và bố trí thiết bị Wifi hợp lý
Việc cài đặt và bố trí hợp lý sẽ làm cho mạng Wifi của bạn chạy nhanh hơn. Đây là những yếu tố kỹ thuật, nếu bạn không tự làm được thì nên nhờ đơn vị triển khai có kinh nghiệm. Một số yếu tố cần quan tâm gồm:
- Giảm thiểu can nhiễu giữa những thiết bị xung quanh. Bí kíp ở đây là sử dụng phần mềm Wifi Analyzer (trên CH Play của Android) để chọn kênh phát cho phù hợp.
- Bố trí đủ thiết bị Wifi cho số người kết nối. Ví dụ nếu nhà hàng có 1 tầng, số lượng người là khoảng 60 người, và mỗi thiết bị Wifi chịu được 20 người đồng thời => Cần tối thiểu 3 thiết bị Wifi.
- Nếu sử dụng thiết bị Wifi phổ thông (SOHO) thì mỗi thiết bị nên để tên Wifi khác nhau.
- Nếu sử dụng thiết bị Wifi chuyên dụng có tính năng Roaming thì có thể sử dụng tên Wifi giống nhau trên tất cả các bộ phát.
4. Cài đặt phương án đăng nhập Wifi Marketing phù hợp
Mỗi một đơn vị kinh doanh đều có đối tượng khách hàng riêng, do đó cần phải hiểu về khách hàng của mình để đưa ra lựa chọn đăng nhập wifi marketing phù hợp:
- Đăng nhập wifi kết hợp Facebook sẽ phù hợp với khách hàng trong độ tuổi thanh thiếu niên.
- Bấm nút đơn giản sẽ phù hợp với mọi khách hàng.
Tùy từng thời điểm, bạn có thể tự chỉnh sửa cách thức đăng nhập để thu thập thông tin từ khách hàng:
- Thu thập số điện thoại, email để phục vụ remarketing
- Thu thập ý kiến để cải thiện chất lượng dịch vụ.
- Lấy đánh giá của khách về một vấn đề nào đó…
5. Cơ chế popup trong wifi marketing
Popup là tính năng tự động hiển thị trang đăng nhập wifi mỗi khi user kết nối vào mạng wifi hotspot. Cần phải hiểu rằng đây là tính năng trong hệ điều hành của thiết bị đầu cuối (điện thoại, ipad…), không phải tính năng của hệ thống wifi marketing (bản chất là mạng wifi hotspot sử dụng captive portal).
Mỗi hãng thiết bị có cơ chế thực hiện popup khác nhau:
- iOS/Apple: Khi kết nối vào mạng wifi marketing, thiết bị tự động hiển thị trang đăng nhập. Sau khi đăng nhập thành công, cửa sổ đăng nhập có thể được chuyển hướng tới một trang web đích. User cần bấm nút Done (hay “Xong”) để đóng cửa sổ.
- Android: Tùy từng nhà sản xuất thì hành vi sẽ khác nhau. Có thiết bị sẽ tự động popup mở ra trang đăng nhập như thiết bị iOS, nhưng có thiết bị lại chỉ đưa ra Notification. Đặc biệt, sau khi đăng nhập thành công, cửa sổ popup của Android tự động đóng lại mà không thể chuyển hướng tới trang web đích.
6. Làm tốt bước “Hướng dẫn truy cập Wifi”.
Triển khai Wifi Marketing nghĩa là chúng ta sẽ yêu cầu khách hàng thực hiện thêm một hành động nào đó (click, xem…).
Quá trình đăng nhập Wifi Marketing sẽ phức tạp hơn Wifi truyền thống. Vì mục tiêu marketing, bạn cần hiểu và chấp nhận sự bất tiện này.
Để hỗ trợ khách hàng tốt hơn, chúng ta nên đặt các hướng dẫn cách đăng nhập wifi ở những nơi thuận tiện.
Có rất nhiều cách triển khai:
- Dán trên tường, trên cửa kính
- Gài dưới bàn ăn.
- Dưới dạng menu hoặc kết hợp cùng Menu.
- Thông báo theo kiểu banner/pano
Bằng những hướng dẫn cụ thể như vậy, khách hàng sẽ dần quen và đăng nhập Wifi dễ dàng.
Ngoài ra, bằng tư duy của người làm marketing, bạn sẽ thấy rằng nếu chúng ta xây dựng những hướng dẫn truy cập thông minh, dễ thương, bắt mắt… thì tỷ lệ khách hàng sử dụng dịch vụ Wifi của bạn sẽ tăng lên đáng kể và sẵn sàng chấp nhận những bất tiện mà quá trình đăng nhập gây ra. Bí kíp:Hãy coi hướng dẫn truy cập Wifi như là một thông điệp quảng cáo để đưa khách hàng vào bộ máy marketing của bạn.
7. Thiết lập các mức ưu tiên khác nhau để hấp dẫn khách hàng.
Nguyên tắc: Mỗi phương án đăng nhập nên có ưu tiên về tốc độ và thời gian truy cập khác nhau.
Phương án nào có lợi về marketing thì cho tốc độ cao và thời gian truy cập lâu, thậm chí có thể tặng coupon giảm giá.
Kinh nghiệm của SmartWifi cho biết, nên triển khai Wifi Marketing đi kèm mạng Wifi truyền thống. Một thiết bị wifi chuyên dụng có thể vừa phát wifi marketing vừa phát wifi thường. Tận dụng tính năng này ta có thể phát đồng thời 3 mạng wifi:
- Mạng wifi marketing
- Mạng wifi thường cho khách VIP
- Mạng nội bộ.
Kết hợp với các kịch bản tương tác Zalo, Facebook, Email Marketing => có thể tự động nhắn password mạng VIP cho khách đạt yêu cầu.
8. Kết hợp Remarketing trên Facebook/Google.
Mục này dành riêng cho những cơ sở có ngân sách chạy quảng cáo trên Facebook và Google.
Tuy nhiên việc triển khai Remarketing cũng không quá tốn kém, chỉ cần mỗi ngày bỏ ra khoảng 50,000-100,000 VNĐ bạn cũng có thể tiếp cận vài trăm khách hàng đã từng sử dụng dịch vụ Wifi của bạn.
Bằng cách kịch bản wifi marketing đặt biệt, chúng ta có thể thu được email/ số điện thoại và cả cookies. Những thông tin này sẽ giúp chúng ta bám đuổi khách hàng.
Hơn thế nữa, khi sử dụng kết hợp với Chatbot, chúng ta có thể nhắn tin miễn phí cho khách sau một khoảng thời gian khách đã tương tác với fanpage.
9. Nhân rộng điểm truy cập.
Tiềm năng của Wifi Marketing là rất lớn, nó là sự kết hợp hài hòa giữa quảng cáo cục bộ theo vị trí địa lý (local based) với mạng xã hội và digital marketing.
Để nâng cao hiệu quả của quảng cáo, ngoài việc triển khai tại địa điểm kinh doanh của mình, bạn có thể triển khai Wifi Marketing tại các điểm khác bằng các hình thức tài trợ/thuê điểm phát wifi.
Việc lắp đặt Wifi Marketing tại những điểm mở rộng không cần quá cầu kỳ và không cần sử dụng thiết bị đắt tiền. Chỉ cần một thiết bị wifi đã cài đặt sẵn, lắp và kết nối vào đường mạng có sẵn.
Thao khảo combo wifi marketing A70, rất phù hợp cho nhiệm vụ này.
10. Sử dụng dữ liệu thu được để chăm sóc khách hàng.
Wifi Marketing sẽ đem lại cho bạn thông tin của khách hàng như: profile facebook, email, số điện thoại. Những thông tin này là chính xác 100%, nhiệm cụ của bạn là tận dụng chúng.
10.1. Facebook
Đối với Facebook Profile, bạn hãy kết bạn với khách hàng của mình.
Là bạn bè với khách hàng, bạn sẽ có nhiều cơ hội để tương tác cùng nhau, và vì thế dịch vụ của bạn sẽ luôn nằm trong tiềm thức của họ.
Việc kết bạn với một khách hàng trên Facebook đôi khi không phải là dễ, đặc biệt là với những người xa lạ và có ý thức bảo mật trên Facebook. Có thể nói kết bạn là một nghệ thuật, nếu chưa có kinh nghiệm thì bạn nên tham khảo thêm nhiều tài liệu hướng dẫn kết bạn Facebook trên Internet.
Tips: Mỗi ngày cử một nhân viên dành chút thời gian đi kết bạn với khách hàng.
10.2. Email Marketing
Khi đã có một danh sách email thì điều cần làm là thường xuyên gửi email cho họ. Đây là lĩnh vực thuộc về Email Marketing với một số lưu ý nhỏ:
- Khi làm email marketing thường sẽ cần có một tên miền (domain) để nâng cao thương hiệu và cho cảm giác chuyên nghiệp. Một tên miền là điều kiện cần có để sử dụng những công cụ email marketing chuyên nghiệp nhứ MailChimp, Aweber, GetResponse…
- Ở quy mô nhỏ như nhà hàng, quán cafe… nếu bạn không có tên miền riêng thì có thể sử dụng những dịch vụ Email miễn phí như Google, Outlook… Những dịch vụ Email này giới hạn lượng email được phép gửi theo ngày, ví dụ Gmail cho phép gửi tối đa 500 email/ngày.
- Từ địa chỉ email bạn có thể tìm kiếm trên Facebook để ra được profile của họ, sau đó áp dụng quy trình kết bạn Facebook để đạt hiệu quả tối đa.
- Tìm kiếm email trên Google, rất có thể bạn sẽ tìm được nhiều thông tin về chủ của email.
10.3. Zalo và SMS marketing
Sau khi thu thập được số điện thoại của khách hàng, bạn hãy bắt đầu chiến dịch gửi SMS chăm sóc khách hàng.
Quá trình gửi SMS có thể được thực hiện bằng phần mềm SMS marketing (phần mềm gửi sms qua SIM điện thoại) hoặc các dịch vụ SMS marketing trực tuyến.
Không chỉ là gửi SMS marketing, từ số điện thoại thu được bạn có thể dùng cho những mục đích sau:
- Tìm kiếm trên Facebook để kết bạn: Hãy điền số điện thoại vào ô tìm kiếm, khả năng rất cao là bạn sẽ có được profile của họ.
- Tìm kiếm và kết bạn trên Zalo: Giống như mạng xã hội Facebook, Zalo là một kênh bạn không nên bỏ qua vì ở VN số người dùng Zalo rất là đông, khoảng chừng 70 triệu người dùng.
Kết luận
Trên đây là những kinh nghiệm đúc kết từ nhiều năm làm Wifi Marketing của SmartWifi. Hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn khởi đầu một kênh marketing mới.
Đây cũng là những kiến thức cơ bản nhất để triển khai Wifi Marketing đúng cách và hiệu quả. Nếu bạn đã hoặc đang sử dụng Wifi Marketing mà chưa thấy hiệu quả, thì hãy dành thời gian nghiên cứu để chọn được kịch bản tốt nhất.
Chúng tôi mong rằng công việc kinh doanh của bạn sẽ phát triển vượt bậc trong thời gian tới.Nếu bạn tìm ra một cách áp dụng Wifi Marketing tốt nhất thì hãy chia sẻ với chúng tôi và cộng đồng bằng cách gửi email tới địa chỉ info[at]smartwifi.com.vn.
Ngoài ra nếu bạn có góp ý nào bạn cũng có thể gửi tới địa chỉ email trên hoặc để lại comment dưới đây, chúng tôi và cộng đồng luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn.
Tham khảo bảng giá wifi marketing tại đây.